Chính biến chống lại Văn Đế Lưu Thiệu (Lưu Tống)

Vào một thời điểm nào đó trước năm 452, Lưu Thiệu và Thủy Hưng vương Lưu Tuân quen biết với nữ vu Nghiêm Đạo Dục (嚴道育), khả năng ma thuật của người này được Đông Dương Hiến công chúa Lưu Anh Nga (劉英娥) hết sức tin tưởng. Do Văn Đế nghiêm khắc với con trai của mình, ông thường xuyên quở trách Lưu Thiệu và Lưu Tuân về những lỗi trong hành vi của họ. Ban đầu, Lưu Thiệu và Lưu Tuân yêu cầu Nghiêm sử dụng ma thuật để cầu xin các thần linh hãy khiến cho Văn Đế không nghe được tin về những lỗi của họ. Sau đó, Lưu Thiệu và Lưu Tuân bắt đầu yêu cầu Nghiêm hãy yểm bùa cho Văn Đế sớm chết, để Lưu Thiệu có thể sớm lên ngôi hoàng đế. Thời điểm này, trong các bức thư trao đổi giữa hai anh em, họ gọi phụ hoàng là "người đó", và gọi thúc phụ Giang Hạ vương Lưu Nghĩa Cung (tức người đang đứng đầu triều đình vào thời điểm đó) là "tên nịnh bợ."

Tuy nhiên, đến năm 452, tin tức về những trò phù thủy của Nghiêm đã bị bại lộ. Hầu gái của Lưu Anh Nga là Vương Anh Vũ (王鸚鵡), là người giúp liên lạc giữa Lưu Thiệu, Lưu Tuân và Nghiêm Đạo Dục, Vương Anh Vũ trước đó đã có quan hệ với một đầy tớ của Lưu Anh Nga tên là Trần Thiên Dữ (陳天與) và người này cũng tham gia vào trò phù thủy, tuy nhiên Vương Anh Vũ sau đó đã trở thành thê thiếp một thuộc hạ của Lưu Tuân tên là Thẩm Hoài Viễn (沈懷遠). Lo ngại rằng Thẩm Hoài Viễn sẽ phát hiện ra mối quan hệ xác thịt giữa mình và Trần Thiên Dữ trước đây, Vương Anh Vũ đã thuyết phục Lưu Thiệu giết chết Trần. Một đầy tớ khác tên là Trần Khánh Quốc (陳慶國), cũng tham gia vào trò phù thủy, hắn ta trở nên sợ hãi vì nghĩ rằng mình cũng sẽ bị giết hại nên đã báo lại sự việc cho Văn Đế. Văn Đế bắt giữ Vương Anh Vũ và tìm thấy thư tín giữa Lưu Tuân và Lưu Thiệu nói về trò phù thủy, và còn tìm thấy một hình nộm được sử dụng cho việc yểm bùa; Văn Đế sau đó cũng hạ lệnh bắt giữ Nghiêm song không thể tìm được người này. Tuy nhiên, Văn Đế đã không nhẫn tâm trừng phạt Lưu Thiệu và Lưu Tuân mà chỉ trách mắng họ.

Đến mùa xuân năm 453, Nghiêm Đạo Dục được Lưu Tuân che giấu tại Kinh Khẩu (京口, nay thuộc Trấn Giang, Giang Tô), sống trong nhà một đày tớ của Lưu Tuân tên là Trương Ngổ (張旿). Lưu Tuân sau đó trở thành thứ sử của Kinh Châu (荊州, nay là Hồ Bắc) với trị sở đặt tại Giang Lăng, và ông ta đưa Nghiêm quay trở lại kinh thành Kiến Khang. Tuy nhiên, vào lúc này, Văn Đế đã nhận được tin rằng Nghiêm đang sống trong nhà của Trương, và đã cho lục soát căn nhà nhà, và khi không tìm thấy Nghiêm (do bà ta đã trở về Kiến Khang cùng với Lưu Tuân), Văn Dế được kể lại rằng Nghiêm đang ở Kiến Khang cùng với Lưu Tuân. Văn Đế cực thịnh nộ, tin rằng Lưu Tuân và Lưu Thiệu vẫn tiếp tục liên quan đến trò ma thuật. Do đó, Văn Đế đã tính đến việc phế truất Lưu Thiệu và buộc Lưu Tuân phải tự sát. Văn Đế đã bí mật thảo luận chuyện này với Từ Đam Chi và Giang Đam cùng Vương Tăng Xước (王僧綽). Cuộc thảo luận trở nên bế tắc trước việc ai sẽ thay thế Thiệu làm thái tử, trong đó Giang Đam ủng hộ anh em đồng hao là Nam Bình vương Lưu Thước còn Từ Đam Chi thì ủng hộ con rể là Tùy vương Lưu Đản (劉誕), và bất chấp việc Vương Tăng Xước đã hối thúc nhanh chóng giải quyết vấn đề, Văn Đế vẫn do dự trong việc lựa chọn Lưu Thước hay Kiến Bình vương Lưu Hoành (劉宏). Trong khi đó, mặc dù việc thảo luận diễn ra trong bí mật, Văn Đế lại đi nói sự việc cho Phan thục nghi, và bà đã nhanh chóng báo tin cho con trai ruột là Lưu Tuấn, Lưu Tuấn sau đó báo cho Lưu Thiệu. Do đó, Lưu Thiệu đã lên kế hoạch chính biến chống lại phụ hoàng.

Ngoài một người tên là Viên Thục (袁淑), tất cả các cộng sự khác đều ủng hộ kế hoạch của Lưu Thiệu. Lưu Thiệu sau đó giả một chiếu chỉ của Văn Đế để cho quân của mình có thể tiến vào cung của vua phụ hoàng, giả vờ rằng đang chống lại một cuộc phản loạn, Lưu Thiệu đồng thời cử một thân tín tên là Trương Siêu Chi (張超之) vào phòng ngủ của Văn Đế để ám sát. Lưu Thiệu cũng ra lệnh giết chết Từ Đam Chi, Giang Đam, Phan thục phi và một số cộng sự khác của Văn Đế. Lưu Tuân nhanh chóng hội quân cùng Lưu Thiệu tại hoàng cung, và hai người này sau đó đã vu cáo rằng Văn Đế bị Từ và Giang sát hại. Lưu Thiệu lên ngôi hoàng đế.